Chuyện sư cụ vãng sinh – Thời nay biết chữ chỉ thêm loạn tâm thôi!

Hình ảnh có liên quan

Tôi xin kể về một ni sư đã vãng sinh ở gần nhà tôi. Vì một vài lý do tế nhị tôi xin không công khai danh tính cụ, mà thực sự cái chúng ta cần là bài học từ cuộc đời tu hành của cụ, còn việc biết cụ là ai bây giờ không phải là điều quan trọng nữa.

Hồi đó, khi tôi đến thăm chùa thì cụ đã vãng sinh vài năm, cảnh chùa đơn sơ, trong nhà tổ chỉ có di ảnh cụ kèm theo một tờ lịch xé ra gắn trong khung ảnh ghi nhớ ngày cụ quy Tây. Trên ban thờ, có bức hoành phi (nếu có thể gọi là như vậy) làm từ mấy thanh gỗ tạp đóng thùng hàng ghép lại, sơn màu xanh đề 4 chữ “Tổ Ấn Trùng Quang”. Không thể nào đơn sơ hơn! Tôi thầm nhủ khi có điều kiện mình sẽ công đức một bức hoành phi hẳn hoi, nhưng lần sau tôi đến thì đã có vị nhanh tay hơn rồi, thật tiếc cho mình kém may mắn.

Tôi được nghe kể cụ trụ trì ở đó đã lâu, tuy nhiên cảnh chùa vắng vẻ vì cụ không xem ngày, không đi cúng và không dâng sao giải hạn, không làm lễ cắt duyên, vv…, nên dân xung quanh chẳng ai đến chùa, cũng có những người coi thường cụ. Cụ không biết chữ và điều đặc biệt hơn là cụ không cho ai trong chùa học chữ, cụ nói thời nay biết chữ chỉ thêm loạn tâm thôi.

Một hôm, cụ đưa cho người trong chùa (chỉ có 1, 2 vị ni cô hay sãi, một người hình như bị khuyết tật) một rổ tràng hạt rồi dặn rằng: “Nếu tôi đi thì không được báo cho giáo hội ngay, qua hôm sau hãy báo; nếu người nhà tôi đến thăm thì bảo họ đừng khóc, đưa cho mỗi người một tràng hạt bảo niệm Phật cho tôi”. Ni cô ở chùa kể nửa đêm bỗng nghe thấy chuông điểm một tiếng rõ to nên dậy xem ai đánh chuông nhưng sân chùa vắng tanh không một bóng người, cổng cửa vẫn đóng, ni cô sợ quá chạy về phòng trùm chăn không dám ngủ. Sáng dậy, qua phòng cụ thì thấy cụ đã quy Tây rồi, bèn xé tấm lịch giấy trên tường để vào khung ảnh ghi nhớ ngày cụ vãng sinh.

Lần khác tôi đến thăm một sư cụ trụ trì một ngôi cổ tự gần đó. Cụ là bậc chân tu khổ hạnh nên tôi rất kính trọng, thấy cụ đã cao tuổi tôi muốn khuyên cụ niệm Phật liền kể cho cụ nghe về ni sư đã vãng sinh, hai cụ cũng biết nhau, nhưng chắc do khác môn tu hoặc không đủ duyên nên cụ không tin việc vãng sinh, cụ còn nhắc tôi về một vụ ồn ào vừa xảy ra ở nước ta hồi đó liên quan đến việc một vị ngộ nhận cảm ứng khi niệm Phật khiến chính quyền can thiệp. Lúc đó tôi liền hiểu vì sao ni sư trước khi quy Tây đã dặn đệ tử không báo ngay cho giáo hội trong vùng. Một vị ni sư quê mùa không biết chữ, chỉ chuyên niệm A Di Đà Phật trong ngôi chùa vắng mà lại có thể biết trước ngày vãng sinh và quán được cả thời cơ, đúng là đại trí như ngu! Sau này tôi đọc trên một trang web của Trung Quốc về hòa thượng Hải Khánh, tôi liền liên tưởng ngay đến cụ, tuy hai thời khác biệt, hai xứ cách xa nhưng hai vị thị hiện thật giống nhau. Người đời ai cũng mong gặp Bồ tát, vậy mà ngày ngày Bồ tát ở trước mắt nhưng chẳng ai nhận ra, còn khinh rẻ các ngài.

Câu chuyện này tôi giữ trong lòng mình như một bài học và hơn lúc nào hết tôi thấy bài học này vô cùng cần thiết. Bởi thời nay không phải là thời để học rộng nghe nhiều, môi trường thông tin đã quá ô nhiễm, tự do ngôn luận nên ai cũng là chuyên gia, đua nhau tuyên truyền thuyết nhảm, xàm ngôn lộng ngữ. Trong giới tu học Phật giáo cũng đại loạn, phái này nhận mình đúng nói phái kia ngụy tạo, nói chư tổ sư bịa đặt, đến cả danh hiệu “A Di Đà Phật” cũng có ý kiến cho là sai cần sửa đổi. Phải chăng mười mấy đời tổ sư và các vị tiền bối đã vãng sinh đều tu lầm lẫn mà thành tựu? Trên các diễn đàn người cựu tu tranh cãi, người mới tu hoang mang, không biết nương tựa vào đâu nữa!

Tôi từ bé chỉ thích đến chơi cảnh già lam nhưng không có ai chỉ điểm cho tu học, một lần tình cờ thấy cuốn kinh Phật trong hàng sách cũ, cầm lên đọc tâm liền cảm động mãnh liệt từ đó không còn ham mê xem môn nào khác. Vì thế, có lúc tôi tự tin nghĩ rằng mình có tín tâm kiên cố nơi Phật pháp, không ai lay chuyển được nên thả cho tập khí tham đọc, tham xem khởi lại, rảnh rỗi liền vào các diễn đàn, xem bài viết, diễn giảng của nhiều đồng tu, học giả, pháp sư,vv… nói về Phật pháp. Được một thời gian thì tâm liền bị nghi hoặc, có lúc đang đọc dở bài nào đó phải bỏ ngay không dám xem tiếp vì sợ chướng ngại, không sao làm tâm mình tịnh như trước được. Phải thường sám hối xin chư Phật gia trì cho chẳng mất tín căn.

Vậy mới biết căn tính của mình kém lắm mới sinh ở đời này, tuy may nhờ căn lành đời trước nên được gặp Phật pháp nhưng nếu không hộ trì lục căn cẩn thận e sẽ rơi vào tà kiến, đoạn mất pháp duyên. Phật pháp chẳng thể dùng thế trí biện thông mà thâm nhập được.

Nhiều lúc tôi mong mình có được thiện căn, phúc đức sâu dày như những cụ già chất phác ở quê, bảo cụ niệm A Di Đà Phật là cứ thế niệm A Di Đà Phật đến trọn đời rồi thanh thản ra đi. Ngàn kinh muôn luận các cụ đều chẳng biết, thậm chí kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà cũng chẳng từng đọc qua, nói gì cũng hoan hỷ gật đầu, ấy vậy mà lại dễ vãng sinh làm sao. Còn những người hữu danh, đa trí thời nay thì e lại khó được dự phần. Những lúc thế này tôi lại nhớ lời sư cụ “Thời nay biết chữ chỉ thêm loạn tâm thôi!”

PMNP

Bình luận về bài viết này